Hiện nay, vấn đề thừa cân béo phì đang dần trở thành thách thức của cộng đồng. Trong đó, sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em là một trong những mối quan tâm hàng đầu của quốc gia vì đây mối đe dọa lâu dài đến sức khỏe của nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam. Để hiểu được nguyên nhân, giải pháp cũng như những vấn đề quan trọng xung quanh chủ đề này, mời bạn cùng Jio Health tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng nhanh từ năm 2010-2020
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) miêu tả thừa cân béo phì giống như “dịch bệnh” vì tốc độ người gặp vấn đề này tăng nhanh và tăng với số lượng lớn. Theo thống kê từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân tại Việt Nam năm 2010 tăng từ 8,5% lên 19% vào năm 2020, tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Trong đó, nhóm tuổi học đường là nhóm có nguy cơ cao dễ bị thừa cân và béo phì, nhất là học sinh tiểu học và tập trung chủ yếu ở thành thị nhiều hơn nông thôn.

Nguyên nhân béo phì đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày
Trẻ em gặp tình trạng thừa cân béo phì do nhiều nguyên nhân phối hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ phần lớn bị ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt hằng ngày như sử dụng thực phẩm ăn liền, ăn uống không điều độ, dư chất… Những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng dẫn đến béo phì ở trẻ, gồm có:
- Quan điểm nuôi dưỡng của gia đình: nghiên cứu của Viện dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 53% phụ huynh Việt Nam không biết con mình thừa cân. Cha mẹ thường có xu hướng cho rằng con trẻ mập mạp mới khỏe mạnh nên xem nhẹ tình trạng thừa cân ở con. Việc tiếp cận trễ vấn đề thừa cân dễ dẫn đến tình trạng béo phì và nguy cơ mắc các bệnh cao hơn.
- Hoạt động thể lực bị hạn chế bởi chương trình học quá nhiều dẫn đến tổ chức hoạt động ngoại khoá bị hạn chế. Các môn thể dục vẫn được triển khai nhưng tình trạng thiếu cơ sở vật chất là lý do khiến học sinh không được hoạt động thể dục thể thao hàng ngày.
- Môi trường xã hội thúc đẩy trẻ em tiếp cận với thực phẩm và lối sống không lành mạnh: sự phát triển của đồ uống có đường, sản phẩm nước đóng chai và thức ăn nhanh làm tăng thói quen tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh ở trẻ em. Đồng thời, sự phát triển của internet khiến hầu hết trẻ em sử dụng thời gian rảnh để chơi game, xem truyền hình hơn là tham gia các hoạt động thể chất.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy trẻ em Việt Nam đang sống trong môi trường dễ tăng nguy cơ béo phì. Theo UNICEF, môi trường nguy cơ béo phì là nơi thúc đẩy việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, thiếu dinh dưỡng và hạn chế hoạt động thể chất. Do đó, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tỷ lệ thừa cân và béo phì của trẻ em tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tương lai.
Hệ luỵ của thừa cân béo phì đối với trẻ em
Trẻ béo phì trong độ tuổi học đường gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho sức khỏe của trẻ hiện tại và tương lai sau này.

Các tác động tiêu cực của thừa cân béo phì đến sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ em như:
- Suy giảm hệ miễn dịch: trẻ em béo phì dễ ốm vặt hoặc các bệnh truyền nhiễm hơn vì hệ miễn dịch hoạt động kém linh hoạt hơn với các yếu tố gây bệnh.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: béo phì là yếu tố tiềm ẩn dẫn đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra, tác hại của béo phì còn có thể là nguyên dẫn dẫn đến các bệnh về tiêu hoá, hô hấp và tim mạch.
- Dễ bị tác động đến sức khỏe tâm lý: béo phì dễ khiến trẻ tự ti về ngoại hình, ngại giao tiếp ảnh hưởng đến hoà nhập xã hội, thậm chí có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm.
- Trẻ thừa cân dễ trở thành người lớn béo phì, gây ra gánh nặng lớn về chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Cụ thể, theo nghiên cứu, chi phí y tế bình quân đầu người của một người béo phì cao hơn một người có cân nặng bình thường khoảng 42%.
Dự phòng thừa cân béo phì cho lứa tuổi học đường
Tuổi học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng liên quan đến tầm vóc, trí tuệ, thể lực của trẻ sau này. Vì thế, ngay từ ở lứa tuổi này, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm giúp các em hiểu về chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm báo trẻ được phát triển toàn diện. Những biện pháp liên quan đến phòng ngừa thừa cân béo phì cho lứa tuổi học đường bao gồm:
- Đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường của trẻ bằng cách sử dụng nhiều thực phẩm đa dạng, chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc đồng thời nên hạn chế ăn đồ chiên rán và thức ăn nhanh.
- Bổ sung sữa không đường giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và phát triển chiều cao.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho trẻ: ngủ đúng giờ và ngủ đủ (trung bình từ 8-10 giờ/ngày).
- Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể chất, vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày.
- Chủ động thăm khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng thường xuyên để phòng tránh bệnh béo phì ở trẻ.
- WHO khuyến cáo cần có các quy định cụ thể về việc tiếp thị sản phẩm đồ uống có đường, chất béo, muối nhắm đến trẻ em để hạn chế các tác nhân gây ra thừa cân, béo phì.
(Nguồn: WHO & Viện Dinh dưỡng Quốc gia)