Nhìn thấy tiềm năng ngành giao hàng khi bùng phát Covid-19, TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên chế tạo xe điện phục vụ shipper, tỷ lệ nội địa hóa trên 80%.
Chiếc xe có thể chở sau thùng lạnh với dung tích từ 18 – 115 lít, giữ nhiệt từ âm 20 độ C đến 10 độ C. Xe được thiết kế 3 pack pin (2 đặt dưới cốp, 1 đặt dưới gác chân) để đảm bảo dung lượng pin lớn và dòng điện ra ở cường độ cao. Tài xế có thể dùng 3 pack pin cùng lúc để tải dòng điện cao, giúp xe chạy tốc độ tối đa 70 km mỗi giờ. Ở mức nhu cầu vừa phải, người dùng có thể sử dụng 1 hay 2 pin để tiết kiệm.
Thùng lạnh sử dụng nguồn từ 3 pack pin trên xe. Để đảm bảo nguồn điện cho xe chạy và duy trì thùng lạnh, TS Nguyên cùng nhóm cộng sự phát triển một hệ thống quản lý năng lượng (PMS) giám sát toàn bộ điện tiêu thụ trên xe bao gồm nguồn đầu vào, đầu ra. Do nguồn điện luôn thay đổi công suất trong quá trình chạy và vận hành thùng lạnh nên hệ thống PMS giữ vai trò điều tiết điện năng trên xe.
Với 3 pack pin, xe có thể chạy trung bình 150 km (mỗi pack pin 50 km) trong điều kiện trọng lượng một người 70 kg, tốc độ chạy 30 km mỗi giờ. Với việc sử dụng thêm nguồn điện cho thùng lạnh, TS Nguyên cho biết, quãng đường có thể giảm khoảng 20 – 30 km so với việc không dùng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, xe điện tích hợp thùng lạnh cho shipper hiện nay có thể thay thế cho giải pháp thùng lạnh truyền thống sử dụng đá để giữ nhiệt (khả năng giữ nhiệt thấp, chỉ trong vòng 2 – 3 tiếng). Xe gắn thùng lạnh có thể vận chuyển mặt hàng thực phẩm đông lạnh, dược phẩm… hoặc phục vụ kinh doanh lưu động như bán cà phê, kem, hoạt động dã ngoại.